Chuyện đầu tư: “Không khóc” trong lạm phát

14/04/2023

chuyen dau tu khong khoc trong lam phat

Lạm phát: Hệ lụy từ thị trường bất ổn sau đại dịch

Sau 2 năm vật lộn với các biến chủng Covid-19, thế giới phải đối mặt với cục diện kinh tế hỗn loạn: siêu chu kỳ tăng giá hàng hóa, ảnh hưởng từ chính sách “zero-COVID” của Trung Quốc và gần đây nhất là căng thẳng chiến sự Nga – Ukraine tác động lớn tới giá cả các mặt hàng thiết yếu.   

Không nằm ngoài biến động đó, thị trường tài chính cũng đang gặp phải những rủi ro nhất định. Nổi bật là lạm phát được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Tính đến QII/2022, lạm phát tiêu dùng đã vượt quá mục tiêu của các ngân hàng trung ương tại hầu hết các quốc gia, chỉ số lạm phát toàn cầu chạm ngưỡng 7,8% – cao nhất trong các năm kể từ 2008. 

lạm phát toàn cầu quý II 2022

Theo chỉ tiêu của Quốc hội đề ra đầu năm 2022, Việt Nam sẽ cố gắng kiểm soát mức lạm phát dưới 4% trong năm nay. Tuy nhiên, mục tiêu này có thể gặp nhiều thách thức do sự biến động chung của kinh tế toàn cầu, đặc biệt là giá xăng dầu. 

Giữa bối cảnh lạm phát tăng cao, kênh đầu tư tài chính nào được “chọn mặt gửi tiền” trong giai đoạn này? 

Tìm lối đi riêng trong “ma trận” kênh đầu tư

đầu tư vàng và bất động sản thất sủng

1. Vàng:

Vàng vốn được coi là kênh trú ẩn lý tưởng trong thời kỳ lạm phát. Theo Hội đồng vàng thế giới, sức tiêu thụ vàng tại Việt Nam tăng từ 12,6 tấn trong QII/2021 lên 14 tấn trong cùng kỳ năm 2022, tương đương mức tăng trưởng 11%. Tuy nhiên, nguồn cung vàng trong nước hạn chế và nhu cầu vàng tăng mạnh trong lạm phát, khiến giá vàng Việt Nam chênh lệch khá nhiều so với giá vàng trên thế giới, dao động từ 17-19 triệu đồng một lượng. Sự liên thông không ổn định và giá vàng dao động liên tục từ đầu năm tới giờ, khiến nhiều nhà đầu tư không bảo toàn được tài sản và hình thành tâm lý tránh né kênh đầu tư này.

2. Bất động sản:

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, chưa bao giờ thị trường bất động sản biến động mạnh mẽ như trong 6 tháng đầu năm 2022. Điển hình, toàn thị trường chứng kiến trạng thái kẹt thanh khoản cục bộ, nhiều phân khúc có dấu hiệu chững lại và các doanh nghiệp bất động sản chuyển sang trạng thái “ngủ đông”.

Trong năm 2021, có 172 dự án nhà ở thương mại hoàn thành nhưng cũng chỉ bằng khoảng 60% số dự án so với năm 2020. Hết QII/2022, số lượng dự án hoàn thành cũng chỉ bằng khoảng 50% so với quý IV/2021. Dự báo, tình trạng đứng yên của thị trường có thể tiếp tục kéo dài, nhà đầu tư chưa nên tham gia ngay vào thời điểm này mà nên đợi thị trường tự điều chỉnh lại về ngưỡng hợp lý.

tiềm năng đầu tư bảo hiểm, gửi ngân hàng, chứng khoán và các kênh mới

1. Tiền gửi tiết kiệm:

Tính đến tháng 5, tiền gửi vào ngân hàng và các tổ chức tín dụng tăng mạnh, cao hơn 430.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021. Trong đó, tiền gửi dân cư đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 5,568 triệu tỉ đồng, tăng 5,07%, tương ứng với 268.480 tỉ đồng so với cuối năm 2021. Kết quả này đến từ việc các ngân hàng thực hiện tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cho những tháng cuối năm.

Các ngân hàng thương mại cổ phần như VPBank, ACB, Techcombank,… lãi suất kỳ hạn 12 tháng quanh mốc 6,2 – 6,6%/năm, tùy theo món tiền gửi. Các ngân hàng có vốn nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, lãi suất tiền gửi gần như giữ nguyên từ năm ngoái với mức cao nhất kỳ hạn 13 tháng trở lên là 5,5 – 5,6%/năm.

Nhà đầu tư có thể cân nhắc đưa kênh này vào chiến lược đa dạng hóa kênh đầu tư tài chính của mình, như một nguồn dự trữ an toàn và ổn định.
2. Bảo hiểm:

Bảo hiểm vừa là hình thức bảo vệ, vừa là hình thức đầu tư dài hạn, có thể hạn chế tác của lạm phát. Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường 2 tháng đầu năm 2022 ước đạt 33.210 tỷ đồng, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 11.322 tỷ đồng, tăng 13,21% so với cùng kỳ năm 2021 và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.888 tỷ đồng, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Đại dịch Covid-19 khiến dân số toàn cầu trở nên bất an về sức khỏe sinh học lẫn sức khỏe tài chính. Đầu tư bảo hiểm dài hạn trở thành một giải pháp vẹn đôi đường, đặc biệt phù hợp cho việc chuẩn bị tương lai cho con cái hoặc hướng tới tích luỹ an nhàn hưu trí.
3. Chứng khoán:

Chỉ tính trong 7 tháng đầu năm 2022, thị trường ghi nhận mở mới 2,04 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,8 lần cùng kỳ năm trước và cao hơn 33,4% so với cả năm 2021. Có thể lý giải xu hướng này bắt nguồn từ đại dịch Covid-19, khi nhiều người nhận thấy tầm quan trọng của đầu tư bên cạnh việc tích lũy. Và chứng khoán nổi lên như một kênh đầu tư chuyên nghiệp và nhiều tiềm năng.

Đối với các nhà đầu tư ngắn hạn, diễn biến phức tạp của thị trường từ đầu năm 2022 có thể là một bất lợi. Nhưng đối với các nhà đầu tư dài hạn thì những biến động này được coi như “phép thử” sức bền của nhà đầu tư để xác định gắn bó lâu dài với thị trường.

Một điểm lưu ý cho các nhà đầu tư F0 khi lựa chọn kênh chứng khoán, cần trau dồi thật tốt kiến thức về thị trường chứng khoán và lựa chọn những doanh nghiệp uy tín, chuyên nghiệp trong lĩnh vực để bắt đầu đầu tư. Tránh sa đà vào các hội nhóm, cá nhân nhận định chủ quan mua mã này, bán mã kia.

Kiến thức chính là thứ mà lạm phát không thể chạm tới được và cũng sẽ là lợi thế của nhà đầu tư khi gia nhập thị trường.
4. Quỹ đầu tư:

Thị trường Việt Nam hiện có khoảng 70 quỹ đầu tư đang hoạt động. Riêng năm 2021 có 14 quỹ được thành lập với tổng số vốn huy động ban đầu là 1.500 tỷ đồng. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường 2021 kéo theo kết quả tích cực của các quỹ đầu tư. Cùng với đó, khung hành lang pháp lý cho lĩnh vực quản lý quỹ dần được hoàn thiện, góp một phần rất lớn cho quá trình vận hành thuận lợi của doanh nghiệp quản lý quỹ.

Tính đến cuối năm 2021, quy mô của thị trường chiếm khoảng 5,5% GDP, tổng tài sản quản lý của toàn bộ thị trường khoảng 572.000 tỷ đồng, tăng 31% so với cuối năm 2020. Con số này vẫn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực, bởi quản lý quỹ tại Việt Nam mới chỉ bắt đầu khởi sắc từ giai đoạn 2014-2015.

Dư địa phát triển cho các quỹ đầu tư còn rất nhiều, nhất là trong bối cảnh có sự trợ giúp đắc lực của các công cụ 4.0 như ứng dụng di động, ngân hàng số, ví điện tử… hỗ trợ nhà đầu tư tham gia thị trường một cách thuận lợi hơn.

Công ty Quản lý Quỹ Genesis (GFM) là một trong hơn 40 công ty quản lý quỹ đang hoạt động trên thị trường. GFM đang hoạt động với 3 nghiệp vụ chính: Tư vấn đầu tư, Quản lý Quỹ và Uỷ thác Quản lý danh mục đầu tư, phù hợp với khẩu vị đầu tư đa dạng của khách hàng từ lớn, vừa cho đến nhỏ.

Trong thời gian sắp tới, GFM dự kiến ra mắt sản phẩm Quỹ mở đại chúng phù hợp với tất cả mọi người: từ Gen Z (10 – 25 tuổi) xây dựng lộ trình hướng tới tự do tài chính cá nhân, đến Millennial (26 – 41 tuổi) chuẩn bị kế hoạch nghỉ hưu sớm, hay thậm chí là các Baby Boomer (trên 41 tuổi) làm quen với đầu tư.

5. Các hình thức khác:

Giao dịch tiền số, forex,… và một số hình thức đầu tư khác có thị trưởng nhỏ nhưng cũng thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư từ trước thời kỳ lạm phát. Tuy nhiên, tại Việt Nam khung pháp lý cho những kênh đầu tư này chưa được xây dựng, có nghĩa nhà đầu tư sẽ không được sự bảo hộ của pháp luật trong trường hợp rủi ro, lừa đảo xảy ra. Các nhà đầu tư nên cân nhắc và tìm hiểu rõ ràng trước khi tham gia kênh này.

Đầu tư trẻ … cho khỏe

đầu tư trẻ lợi ích lâu dài
Trong đầu tư, mọi quyết định của nhà đầu tư đều dựa vào “sự phù hợp”. Kênh đầu tư thoái trào với nhà đầu tư này, có thể là cơ hội cho nhà đầu tư khác và ngược lại. Điều quan trọng nhất, chính là nhà đầu tư xác định được rõ ràng mục đích, nhu cầu, nguồn vốn, khẩu vị rủi ro,… để tránh “lạc đường” giữa biển kiến thức đầu tư mênh mông.

“Thời điểm thích hợp nhất để đầu tư là 21 năm trước khi thị trường bắt đầu”. Nhà đầu tư đang có nhu cầu tìm hiểu và tham gia thị trường, thời điểm tốt nhất chính là bây giờ, kể cả đó là giữa thời kỳ lạm phát. Đầu tư tài chính càng sớm, sẽ càng có nhiều thời gian để kết quả đầu tư trở nên rõ ràng và mức tăng trưởng cũng tốt hơn.

 

 

Genesis
Scroll To Top
zalo wechat