Quỹ đầu tư là một định chế tài chính trung gian phi ngân hàng thu hút tiền nhàn rỗi từ các nguồn khác nhau để đầu tư vào các cổ phiếu, trái phiếu, tiền tệ, hay các loại tài sản khác. Tất cả các khoản đầu tư này đều được quản lý chuyên nghiệp, chặt chẽ bởi công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát và cơ quan thẩm quyền khác.
Nhà đầu tư thường hay có sự nhầm lẫn giữa quỹ đầu tư và công ty quản lý quỹ đầu tư. Xét về mặt chức năng, công ty quản lý quỹ là đơn vị quản lý các quỹ đầu tư, và các quỹ đầu tư có thể xem như sản phẩm dịch vụ mà công ty quản lý quỹ cung cấp cho nhà đầu tư.
Mỗi nhà đầu tư tham gia đầu tư vào quỹ sẽ sở hữu một phần trong tổng danh mục đầu tư của quỹ. Việc nắm giữ này được thể hiện thông qua việc sở hữu các chứng chỉ quỹ đầu tư (CCQ).
Để thành lập quỹ, công ty quản lý quỹ phải phát hành CCQ. CCQ cũng là một loại cổ phiếu và có những đặc điểm của cổ phiếu, như: Xác nhận quyền sở hữu, được hưởng lợi nhuận trên vốn góp và tùy vào đặc điểm của quỹ CCQ có thể được niêm yết trên TTCK.
Tính hấp dẫn của CCQ nằm ở độ an toàn và tiết kiệm thời gian hơn nhiều so với việc tự mua bán cổ phiếu vì nhà đầu tư đã có một bộ máy công ty gồm các chuyên gia đầu tư hàng đầu thực hiện việc đầu tư cho họ bằng các nguyên tắc bài bản. Nhà đầu tư chỉ cần tập trung làm các công việc chuyên môn của mình và tận hưởng thành quả từ việc nắm giữ CCQ.
Ngoài ra, xét về ý nghĩa đầu tư, thời gian quay vòng vốn và hiệu quả đầu tư là một yếu tố khiến CCQ trở nên hấp dẫn so với các kênh Vàng, Bất Động Sản hay thậm chí gửi tiết kiệm.
Căn cứ theo các tiêu chí phân loại khác nhau, mà có thể phân biệt các loại hình quỹ khác nhau. Tuy nhiên trên thị trường tài chính Việt Nam hiện nay, có thể chỉ ra một vài loại hình quỹ đầu tư như sau:
1. Quỹ cổ phiếu
2. Quỹ cân bằng
3. Quỹ đầu tư thị trường tiền tệ
4. Quỹ ETF
5. Quỹ hoán đổi
6. Quỹ hưu trí
Đầu tư tài chính không phải là một công việc đơn giản mà đòi hỏi rất nhiều năng lực chuyên môn, kiến thức thị trường, và nhất là yếu tố thời gian. Ngoài ra có một số loại hình đầu tư như đầu tư trái phiếu, đầu tư vào bộ chỉ số thì nhà đầu tư không thể tự thực hiện được. Do đó nhà đầu tư cá nhân hay pháp nhân thường quyết định đầu tư thông qua quỹ bởi 06 yếu tố: Giảm thiểu rủi ro nhờ đa dạng hóa danh mục đầu tư Tiết kiệm chi phí nhưng vẫn đạt các yêu cầu về lợi nhuận Được quản lý chuyên nghiệp Giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan thẩm quyền Tính năng động của quỹ đầu tư Tham gia đầu tư các sản phẩm đặc thù như trái phiếu, quỹ hoán đổi danh mục
1. AML
Phòng chống rửa tiền
2. Bản Cáo Bạch
Tài liệu cung cấp chính xác, trung thực và khách quan các thông tin về quỹ Mở và các thông tin liên quan đến việc phát hành và giao dịch Chứng Chỉ Quỹ.
3. Ban Đại Điện Quỹ hay BĐDQ
Một ban được Đại Hội Nhà Đầu Tư bầu ra để đại diện cho những Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ.
4. Chứng Chỉ Quỹ
Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với phần vốn mà họ đã đầu tư vào quỹ mở.
Nếu đầu tư vào công ty cổ phần thì nhà đầu tư nhận được cổ phiếu. Còn nếu đầu tư vào quỹ mở thì nhà đầu tư nhận được chứng chỉ quỹ.
5. Cổ Tức của Quỹ
Các khoản lợi nhuận mà Quỹ phân phối tương ứng với số lượng Đơn Vị Quỹ nắm giữ bởi Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ, và được Đại Hội Nhà Đầu Tư thông qua.
6. Đại Hội Nhà Đầu Tư
Cuộc họp của những Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ được tổ chức định kỳ hay bất thường để thông qua các vấn đề của Quỹ cần có sự quyết định của những Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ. Đại Hội Nhà Đầu Tư là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Quỹ.
7. Đại lý Chuyển Nhượng
Ngân hàng do Công Ty Quản Lý Quỹ ủy quyền quản lý Sổ Đăng Ký của quỹ Mở.
8. Đại Lý Phân Phối
Đại lý được ủy quyền nhận lệnh giao dịch Đơn Vị Quỹ từ nhà đầu tư.
9. Điều Lệ
Tài liệu quy định quy chế quản lý cho các quỹ Mở.
10. Điểm Nhận Lệnh
Trụ sở chính của Đại Lý Phân Phối hoặc chi nhánh, phòng giao dịch, văn phòng đại diện của Đại Lý Phân Phối được ủy quyền để nhận lệnh từ các nhà đầu tư.
11. Đơn Đăng Ký
Đơn đăng ký mua Đơn Vị Quỹ lần đầu.
12. Đơn Vị Quỹ hay Đơn Vị
Đơn vị sở hữu vốn của Quỹ mà người sở hữu có một quyền biểu quyết.
13. DPP
Lựa chọn Nhận Cổ tức bằng tiền.
14. DRIP
Lựa chọn Tái đầu tư Cổ tức.
15. Giá Trị Tài Sản Ròng hay NAV
Tổng giá trị tài sản nắm giữ bởi Quỹ trừ đi các khoản nợ tại Ngày Định Giá.
16. HNX
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội.
17. HSX
Sở giao dịch chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh.
18. IPO
Phát hành lần đầu ra công chúng tức là khi Đơn Vị Quỹ được chào bán công khai ra công chúng lần đầu tiên.
19. KYC
Nhận biết và tìm hiểu khách hàng.
20. Lệnh Bán
Lệnh của Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ yêu cầu Quỹ mua lại một phần hay tất cả Đơn Vị Quỹ mà Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ sở hữu.
21. Lệnh Bán Được Chấp Nhận
Lệnh bán của Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ được chấp nhận để thực hiện sau khi số lượng Đơn Vị Quỹ đặt bán được xác nhận sở hữu bởi Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ đó.
22. Lệnh Chuyển Đổi Quỹ
Lệnh của Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ yêu cầu bán một phần hay tất cả các Đơn Vị Quỹ của Quỹ này để mua Đơn Vị Quỹ của Quỹ khác.
23. Lệnh Chuyển Đổi Quỹ Được Chấp Nhận
Lệnh chuyển đổi quỹ của Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ được chấp nhận để thực hiện sau khi số lượng Đơn Vị Quỹ sẽ bán được xác nhận sở hữu bởi Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ đó.
24. Lệnh Chuyển Nhượng
Lệnh của Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ chuyển nhượng quyền sở hữu một số lượng xác định Đơn Vị Quỹ cho người khác dưới dạng quà tặng, thừa kế hoặc thực hiện lệnh của tòa án.
25. Lệnh Chuyển Nhượng Được Chấp Nhận
Lệnh chuyển nhượng của Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ được chấp nhận để thực hiện.
26. Lệnh Được Chấp Nhận
Từng Lệnh Bán Được Chấp Nhận hoặc Lệnh Mua Được Chấp Nhận hoặc Lệnh Chuyển Đổi Quỹ Được Chấp Nhận hoặc Lệnh Chuyển Nhượng Được Chấp Nhận hoặc là một nhóm lệnh bao gồm các Lệnh Bán Được Chấp Nhận và Lệnh Mua Được Chấp Nhận hoặc Lệnh Chuyển Đổi Quỹ Được Chấp Nhận và Lệnh Chuyển Nhượng Được Chấp Nhận.
27. Lệnh Mua
Lệnh của nhà đầu tư đặt mua Đơn Vị Quỹ.
28. Lệnh Mua Được Chấp Nhận
Lệnh mua của nhà đầu tư được chấp nhận để thực hiện sau khi hồ sơ đăng ký mua được chấp nhận và tiền mua được xác nhận đã nhận được.
29. Năm Tài Chính
Giai đoạn 12 tháng bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 của năm. Năm tài chính đầu tiên của Quỹ bắt đầu từ ngày UBCKNN cấp giấy phép thành lập của Quỹ đó đến hết ngày 31 tháng 12 của năm đó, trừ khi thời gian còn lại của năm đầu tiên ít hơn 3 tháng, trong trường hợp đó, năm tài chính đầu tiên sẽ kết thúc vào ngày 31/12 của năm sau.
30. Ngày Chốt Danh Sách
Ngày mà các Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ được ghi nhận trên Sổ Đăng Ký được xem là đủ điều kiện tham dự Đại Hội Nhà Đầu Tư, nhận cổ tức và các hoạt động khác của Quỹ.
31. Ngày Làm Việc
Ngày thị trường chứng khoán mở cửa giao dịch tại Việt Nam.
32. Ngày Định Giá
Ngày NAV của Quỹ được xác định.
33. Ngày Giao Dịch
Ngày Làm Việc mà vào ngày đó Công Ty Quản Lý Quỹ, đại diện cho Quỹ, phát hành, mua lại, chuyển đổi và/hoặc chuyển nhượng Chứng Chỉ Quỹ.
34. Ngân Hàng Giám Sát
Ngân hàng cung cấp dịch vụ bảo quản, lưu ký chứng khoán, tài liệu xác nhận quyền sở hữu tài sản hợp pháp của Quỹ, hợp đồng kinh tế, và các tài liệu khác liên quan đến tài sản của Quỹ; giám sát hoạt động của Quỹ; giám sát hoạt động quản lý tài sản của Quỹ do Công Ty Quản Lý Quỹ thực hiện.
35. Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ
Nhà đầu tư được đăng ký là người sở hữu Đơn Vị Quỹ trong Sổ Đăng Ký.
36. SIP
Chương trình đầu tư định kỳ tức là kế hoạch đầu tư vào Quỹ theo một chu kỳ đều đặn.
37. Sổ Đăng Ký
Tài liệu ghi nhận thông tin về mỗi Người Sở Hữu Đơn Vị Quỹ.
38. Thời Điểm Đóng Sổ Lệnh
Thời điểm cuối cùng các lệnh giao dịch Đơn Vị Quỹ nhận được tại Đại Lý Phân Phối được thực hiện tại Ngày Giao Dịch, như quy định chi tiết tại Mục X.2 của Bản Cáo Bạch này.
39. VN Index
Chỉ số chứng khoán của toàn thị trường của HSX.
40. VN100 Index
Chỉ số chứng khoán bao gồm 100 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất và thanh khoản cao trên sàn HSX.
41. Vốn Điều Lệ
Tổng số vốn của Quỹ do tất cả các Nhà đầu tư góp trong đợt chào bán Chứng Chỉ Quỹ lần đầu ra công chúng.
Quỹ đầu tư cổ phiếu chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Các quỹ này được phân loại theo:
• Quy mô giá trị các cổ phiếu mà họ đầu tư (cổ phiếu giá trị hàng đầu, cổ phiếu giá trị trung bình, cổ phiếu giá trị nhỏ)
• Mục tiêu đầu tư vào danh mục (tăng trưởng, giá trị, cốt lõi)
• Vị trí địa lý (nội địa , quốc tế)
Quỹ cân bằng là loại quỹ phối hợp giữa cổ phiếu, trái phiếu và có thể có thêm công cụ thị trường tiền tệ trong cùng 1 danh mục. Những quỹ cân bằng thường tập trung vào định hướng phân bổ tài sản ở mức trung bình (mua nhiều cổ phiếu hơn) hoặc bảo thủ (mua nhiều trái phiếu hơn). Mục tiêu của quỹ cân bằng là nhằm đem lại sự an toàn, tăng trưởng ổn định của tài sản nhà đầu tư
Quỹ đầu tư thị trường tiền tệ là loại hình quỹ mở tập trung đầu tư vào thị trường vốn mang tính ngắn hạn gồm các sản phẩm trái phiếu có giá trị thanh khoản tốt và các công cụ tiền tệ. Mục tiêu của quỹ là nhằm đem lại thu nhập an toàn ở mức lợi nhuận tương đối thấp.
Quỹ đầu tư hoán đổi danh mục ETF (viết tắt của chữ Exchange-Traded Fund) là loại hình đầu tư mô phỏng sát theo một bộ chỉ số chứng khoán (Vd: Vn-Index, VN30) hoặc một rổ chứng khoán nhưng được giao dịch như là một cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán. Quỹ ETF có giá trị thay đổi hàng ngày khi được giao dịch trên sàn giữa các nhà đầu tư. Vì được giao dịch như một loại cổ phiếu niêm yết nên ETF không có giá trị tài sản ròng (NAV) như các quỹ đầu tư khác. Khi đầu tư vào ETF , nhà đầu tư đã gián tiếp sở hữu một danh mục các cổ phiếu và tìm được lợi nhuận nhờ vào giao dịch các CCQ ETF ở các mức giá khác nhau
Quỹ trái phiếu đầu tư chủ yếu vào trái phiếu và các công cụ tiền tệ. Đầu tư của quỹ trái phiếu về cơ bản thường tập trung vào trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi cùng với các loại tài sản nợ được chứng khoán hóa (chẳng hạn các khoản vay mua nhà). Quỹ trái phiếu đem lại thu nhập tương đối ổn định hơn nhưng không cao so với quỹ cổ phiếu do mức độ ổn định, ít biến động của thị trường trái phiếu.
Quỹ hưu trí về bản chất là quỹ đầu tư được thành lập nhờ vào huy động vốn góp từ những nhân viên đang làm việc trong doanh nghiệp một cách đều đặn theo thời gian làm việc của họ. Quỹ sẽ đem tiền huy động đi đầu tư nhằm mục tiêu tạo ra sự tăng trưởng tài sản ổn định trong dài hạn và từ đó chi trả lương hưu cho nhân viên khi họ đến tuổi hưu.
Quỹ hưu trí nắm giữ một lượng vốn rất lớn và gần như các nhà đầu tư tổ chức lớn ở các quốc gia trên thế giới đều là các quỹ hưu trí.
Quỹ Mở là Quỹ được góp vốn bởi nhiều nhà đầu tư có cùng mục tiêu đầu tư, được quản lí chuyên nghiệp bởi một Công ty Quản lý Quỹ. Quỹ mở là quỹ được thành lập với thời gian vô hạn và không bị giới hạn về quy mô vốn, do vậy quỹ mở có tính chất biến động vốn tăng hoặc giảm đáng kể. Số lượng chứng chỉ quỹ được mua vào hay bán ra là không có giới hạn. Đối với mô hình này, nhà đầu tư không cần giao dịch mua bán chứng chỉ quỹ qua thị trường thứ cấp như sàn chứng khoán mà thực hiện trực tiếp với đơn vị phát hành hay công ty quản lý quỹ hoặc đại lý phân phối được chỉ định của Quỹ. Do vậy, tính thanh khoản của chứng chỉ quỹ mở được xếp hạng cao.
Đây là hình thức quỹ phát hành chứng chỉ quỹ một lần duy nhất khi tiến hành huy động vốn cho quỹ và quỹ không thực hiện việc mua lại cổ phiếu/chứng chỉ đầu tư khi nhà đầu tư có nhu cầu bán lại. Nhằm tạo tính thanh khoản cho loại quỹ này, sau khi kết thúc việc huy động vốn (hay đóng quỹ), các chứng chỉ quỹ sẽ được niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Quỹ đại chúng là loại quỹ đầu tư chứng khoán được chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng. Quỹ đại chúng thường không bị pháp luật giới hạn về số lượng nhà đầu tư tối đa vào quỹ. Tuy nhiên, do số lượng các nhà đầu tư lớn nên quỹ đại chúng có nhiều giới hạn đầu tư do pháp luật quy định nhằm đảm bảo an toàn cho nguồn vốn các nhà đầu tư vào quỹ.
Quỹ đại chúng dạng đóng là loại quỹ mà theo đó, quỹ không có nghĩa vụ mua lại chứng chỉ quỹ đầu tư được phát hành ra công chúng theo yêu cầu của nhà đầu tư. Do vậy, nhà đầu tư chỉ có thể thu hồi số vốn đầu tư bằng cách chuyển nhượng chứng chỉ quỹ đầu tư cho nhà đầu tư khác trên thị trường chứng khoán.
Quỹ đại chúng dạng mở là loại quỹ mà theo đó, quỹ có nghĩa vụ mua lại chứng chỉ quỹ đầu tư theo yêu cầu của nhà đầu tư.
Quỹ thành viên là quỹ đầu tư chứng khoán được lập bằng vốn góp của một số nhà đầu tư nhất định và không phát hành chứng chỉ quỹ ra công chúng. Nhà đầu tư vào quỹ thành viên được gọi là thành viên góp vốn hay thành viên quỹ đầu tư. Pháp luật thường có quy định giới hạn số lượng thành viên góp vốn của Quỹ thành viên. Luật chứng khoán quy định quỹ thành viên có tối đa không quá 30 thành viên và tất cả thành viên phải là pháp nhân.
Thành viên của quỹ thông thường là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và có năng lực tài chính mạnh như công ty tài chính, ngân hàng hoặc doanh nghiệp bảo hiểm. Các thành viên góp vốn có quyền tham gia quản lý quỹ nhiều hơn so với nhà đầu tư trong quỹ đại chúng, đồng thời khả năng chịu đựng rủi ro cũng tốt hơn nên quỹ thành viên không chịu nhiều hạn chế đầu tư như quỹ công chúng.
Khi đầu tư vào quỹ, đặc biệt đối với các nhà đầu tư cá nhân sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích như: tiết kiệm thời gian và công sức do tài sản của nhà đầu tư đã được quản lý bởi những chuyên gia dày dạn kinh nghiệm và am hiểu thị trường, tối ưu hiệu quả sử dụng vốn – tối đa lợi nhuận – giảm thiểu rủi ro nhờ vào danh mục đầu tư được thiết kế bám sát trên các nhu cầu cá nhân, được tiếp cận với các cơ hội đầu tư tốt nhất, mức vốn linh hoạt và tính thanh khoản cao vv…
Cũng như khi đầu tư vào các quỹ đầu tư khác, quỹ mở phù hợp với các nhà đầu tư chưa có đủ kiến thức chuyên sâu về tài chính, đầu tư; các nhà đầu tư bận rộn, không có thời gian theo dõi thị trường hàng ngày; các nhà đầu tư mong muốn đầu tư lâu dài với danh mục đầu tư đa dạng.
Quy trình đăng ký đầu tư vào quỹ mở đối với các nhà đầu tư tại các quỹ đầu tư thường sẽ gồm các bước chính sau:
– Điền vào đơn đăng ký tham gia đầu tư: mẫu đơn sẽ được cung cấp tại các địa điểm phân phối hoặc/và trên trang thông tin điện tử của công ty quản lý quỹ
– Cung cấp các giấy tờ chứng minh đối với nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức
– Thanh toán tiền mua các Chứng chỉ quỹ
Theo quy định, khi tham gia vào thị trường chứng khoán nói chung và các quỹ đầu tư nói riêng, luôn luôn tồn tại các bên thứ ba độc lập với vai trò giám sát và quản lý để đảm bảo việc các quỹ đầu tư thực hiện đúng, đủ các trách nhiệm và nghĩa vụ của mình với các nhà đầu tư, bao gồm:
– Ngân hàng giám sát: làm nhiệm vụ giữ tiền và tài sản của NĐT, giám sát hoạt động đầu tư của các công ty quản lý quỹ và có quyền ngăn chặn bất kì hành động nào trái với Điều lệ và Bản cáo bạch quỹ
– Ủy ban chứng khoán nhà nước: đóng vai trò là cơ quan quản lý, giám sát nhà nước, giám sát hoạt động và hiệu quả hoạt động của các công ty chứng khoán, quản lý quỹ và quỹ đầu tư trên thị trường.
Mỗi quỹ đầu tư đều có quy định riêng về các loại phí mà nhà đầu tư phải trả cho công ty quản lý quỹ cũng như chi phí mà Quỹ phải thanh toán cho công ty quản lý quỹ và các nhà cung cấp dịch vụ cho Quỹ. Tất cả các chi phí này được trình bày rõ ràng trong Bản cáo bạch và Điều lệ Quỹ và thường bao gồm:
• Phí mua chứng chỉ quỹ thông thường gọi là phí phát hành do Nhà đầu tư trả cho công ty quản lý quỹ để trang trải các chi phí liên quan đến việc lập và phát hành chứng chỉ quỹ. Phí này chỉ phải trả một lần ngay khi phát hành chứng chỉ quỹ ban đầu hoặc tăng vốn.
• Phí quản lý quỹ là phí mà Quỹ trả định kỳ cho công ty quản lý quỹ để công ty này cung cấp dịch vụ quản lý quỹ. Phí quản lý được tính theo một tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ. Tỷ lệ phí được tính theo năm, và được thanh toán cho công ty quản lý quỹ theo định kỳ hàng tháng.
• Ngoài ra, thông thường các quỹ đầu tư còn có các loại phí khác như:
• Phí giám sát, lưu ký … trả cho ngân hàng giám sát
• Các chi phí cần thiết cho hoạt động của Quỹ (như phí môi giới, phí định giá tài sản quỹ, thù lao Ban đại diện Quỹ…), phí hành chính
• Thưởng hoạt động cho công ty quản lý quỹ (nếu có).
Nhà đầu tư có thể theo dõi hoạt động đầu tư của quỹ thông qua các tiêu chí sau:
1. Giá trị tài sản ròng (NAV): Hiệu quả hoạt động của Quỹ được thể hiện thông qua giá trị tài sản ròng (NAV) được công bố định kỳ. Giá trị tài sản ròng thường được đăng trên trang web của Sở Giao dịch CK TPHCM hay trên website của Quỹ.
2. Báo cáo thường niên: Báo cáo thường niên cung cấp thông tin về các hoạt động đầu tư, thoái vốn cũng như lợi nhuận và các hoạt động liên quan của Quỹ trong suốt một năm qua cũng như kế hoạch kinh doanh, lợi nhuận, phát triển của Quỹ trong thời gian tới.
3. Báo cáo tài chính: Báo cáo tài chính quý/năm thể hiện hiệu quả hoạt động cũng như các hoạt động của Quỹ như đầu tư thanh lý tài sản.
4. Chỉ số tham chiếu: Hiệu quả của Quỹ có thể được so sánh với hiệu quả của các Quỹ hoạt động cùng loại
Việc lựa chọn loại hình quỹ đầu tư nào phụ thuộc rất lớn vào mục tiêu đầu tư, khẩu vị chấp nhận rủi ro và các yêu cầu đặc biệt khác, thường các yếu tố này sẽ thay đổi tùy vào các nhà đầu tư. Trên thực tế, các quỹ khác nhau đòi hỏi các mức độ chấp nhận rủi ro khác nhau, tùy thuộc vào cấu trúc danh mục đầu tư và mục tiêu của quỹ. Do vậy, tại GFM, chúng tôi có đội ngũ tư vấn đầu tư chuyên nghiệp, tận tâm, luôn sẵn sàng lắng nghe và trao đổi với khách hàng về các nhu cầu và mong muốn của khách hàng khi có nhu cầu đầu tư, qua đó có thể xác định chính xác một chiến lược đầu tư phù hợp được cá nhân hóa cho từng nhà đầu tư.
Khi nhà đầu tư muốn rút vốn, nhà đầu tư chỉ cần gửi yêu cầu đến công ty quản lý quỹ. Khi nhà đầu tư tham gia (giao dịch mua) hay rút vốn (giao dịch bán), thì mức giá mua/bán là giá trị của quỹ tại thời điểm tham gia hay rút vốn đó.
Khi đầu tư vào thị trường chứng khoán, cũng như mọi hình thức đầu tư khác, luôn tồn tại các rủi do cả về lí do chủ quan lẫn khách quan, như rủi ro về biến động tăng/giảm của giá chứng khoán, rủi ro về tính thanh khoản khi nhà đầu tư muốn bán chứng khoán để thu tiền về vv…
Khi một công ty gọi vốn, số vốn cần gọi đó được chia thành nhiều phần nhỏ bằng nhau gọi là cổ phần. Người mua cổ phần gọi là cổ đông. Cổ đông được cấp một giấy chứng nhận sở hữu cổ phần gọi là cổ phiếu và chỉ có công ty cổ phần mới phát hành cổ phiếu. Như vậy, cổ phiếu chính là một chứng thư chứng minh quyền sở hữu của một cổ đông đối với một công ty cổ phần và cổ đông là người có cổ phần thể hiện bằng cổ phiếu….
Các cổ đông sở hữu cổ phiếu thông thường có quyền hạn và trách nhiệm đối với công ty như: Được chia cổ tức theo kết quả kinh doanh; Được quyền bầu cử, ứng cử vào bộ máy quản trị và kiểm sóat công ty; Và phải chịu trách nhiệm về sự thua lỗ hoặc phá sản tương ứng với phần vốn góp của mình.
Trái phiếu là một dạng nợ trong đó người mua trái phiếu đóng vai trò là chủ nợ đối với một công ty, một thành phố, một chính phủ và các con nợ này sẽ cam kết trả lại cho bạn đầy đủ tiền nợ cộng với tiền lãi vay. Một thành phố có thể bán trái phiếu để lấy ngân sách xây công trình công cộng, trong khi đó chính phủ phát hành trái phiếu để tài trợ cho các khoản nợ của họ.
Trái phiếu thường được ưa thích bởi tính ổn định của nó so với cổ phiếu. Khi nhà đầu tư cảm thấy ngại tính dao động của thị trường cổ phiếu, họ sẽ chọn giải pháp an toàn là đầu tư vào trái phiếu. Tất nhiên là trái phiếu không phải tuyệt đối an toàn. Vẫn có một tỷ lệ rủi ro nhất định với trái phiếu khi các con nợ không có khả năng chi trả. Một số doanh nghiệp bị đánh giá năng lực tín dụng thấp thường lại có xu hướng trả lãi huy động trái phiếu cao. Ngược lại đối với chính phủ, lãi suất trái phiếu thường không cao, tuy nhiên được đảm bảo tốt hơn về độ rủi ro. Thậm chí trái phiếu chính phủ Mỹ được xem như “tuyệt đối an toàn”.
Thị trường chứng khoán là nơi các nhà đầu tư giao dịch, mua bán các loại cổ phiếu của doanh nghiệp.
Đối với doanh nghiệp, thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn ngoài vay ngân hàng. Doanh nghiệp phát hành cổ phiếu để huy động vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh và các dự án của họ.
Đối với nhà đầu tư cổ phiếu, thị trường chứng khoán là nơi họ có thể mua cổ phiếu và tham gia vào quá trình tăng trưởng của công ty. Họ có thể hiện thực hóa lợi nhuận bằng việc bán cổ phiếu đó khi giá tăng.
Với các công ty tư nhân, cổ đông thường là những người sáng lập và các nhà đầu tư đầu tiên. Họ có thể bán cổ phần trên thị trường chứng khoán và thu về phần lợi nhuận từ việc tạo ra công ty và công việc kinh doanh đó. Trường hợp đó gọi là thị trường sơ cấp.
Đối với nhà đầu tư sở hữu các cổ phiếu được giao dịch đại chúng trên thị trường chứng khoán, họ có thể tham gia vào quá trình tăng trưởng của công ty mà không phải mất công sức so với tự lập công ty. Trường hợp này gọi là thị trường thứ cấp.
Hiện nay, có rất nhiều kênh đầu tư trên thị trường để giúp nhà đầu tư gia tăng tài sản cho bản thân. Các kênh đầu tư phổ biến tại Việt Nam như: gửi tiết kiệm, đầu tư bất động sản, đầu tư mua vàng, đầu tư vào thị trường ngoại hối (Forex), đầu tư vào thị trường chứng khoán, đầu tư vào quỹ vv…