“Cash is king” – “Tiền mặt là vua” là một câu nói quen thuộc nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiền mặt trong thời kỳ kinh tế có nhiều biến động. Việt Nam luôn nằm trong top những quốc gia có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao tại châu Á và trên thế giới. Thế nhưng sau 3 năm đại dịch, sự dịch chuyển tư duy đầu tư tại thị trường trong nước khiến vị thế của tiền mặt trở nên khác đi. Lúc này, tiền mặt có còn là Vua?
Thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng và ngày một mạnh mẽ của xu hướng cashless (phi tiền mặt). Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia tiên phong trong việc số hoá tiền mặt tại Châu Á trong nhiều năm trở lại đây. Tại Trung Quốc, các giao dịch không dùng tiền mặt (bao gồm cả thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và giá trị lưu trữ, chuyển khoản và séc) của nước này có giá trị lên tới 3,8 triệu tỷ CNY vào năm 2018. Cùng thời điểm, giao dịch tiền mặt chỉ chiếm 20% giao dịch của người dân xứ sở kim chi.
Từ sau đại dịch, cashless cũng đã dần trở thành thói quen mua sắm của nhiều người Việt. Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam, nhu cầu sử dụng các hình thức thanh toán không tiền mặt đã tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị trong sáu tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn lọt top 10 quốc gia giao dịch tiền mặt nhiều nhất trên thế giới, khi có tới 69% dân số Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng.
Về khách quan, điều này là dễ hiểu khi các giao dịch không dùng tiền mặt đang tập trung chủ yếu ở khu vực thành thị, 90% giao dịch tại khu vực nông thôn vẫn dùng tiền mặt bởi thiếu sự đầu tư cơ sở hạ tầng, thiếu thốn ATM để rút tiền khi cần và các loại máy chấp nhận giao dịch thẻ.
Về chủ quan, đại đa số người dùng tin tưởng cashless là giới trẻ như Gen Z và Millennial – thế hệ sinh trưởng trong môi trường số hoá. Sự thiếu thốn phổ cập công nghệ và những e dè về sự an toàn của việc thanh toán qua ngân hàng hay ví điện tử khiến những thế hệ lớn tuổi hơn khó bắt nhịp với thời đại.
Thêm vào đó, với bản tính tiết kiệm, việc người Việt giao dịch bằng tiền mặt phổ biến hơn cũng bởi khả năng thanh khoản nhanh và tính linh hoạt của nó trong thời kỳ tình hình kinh tế có nhiều bấp bênh như hiện tại.
Nói tới đây, cộng đồng ắt hẳn đã có câu trả lời cho câu hỏi GFM đặt ra từ đầu bài. Tiền mặt có thể đã bị giáng cấp tại các thị trường khác, nhưng tại Việt Nam không là Vua thì tiền mặt cũng vẫn nắm giữ vị trí rất cao trong bộ máy “hoàng thân quốc thích”.
Việc sở hữu tiền mặt giống như nêm gia vị cho món ăn – không thể thiếu. Nếu khéo léo nêm nếm và cân bằng lượng tiền mặt phù hợp, thì cộng đồng sẽ tạo ra được một “món” đầu tư hay khoản tiền dự trữ “vừa miệng”, vừa tích trữ giá trị cho nhà đầu tư, vừa hỗ trợ giảm ảnh hưởng từ biến động thị trường.
Ngược lại, việc giữ quá nhiều tiền mặt giống như món ăn quá mặn, sẽ bớt đi phần hấp dẫn. Nên dù không thể phủ nhận vai trò quan trọng của tiền mặt, tài sản này cũng mang tới một số tác dụng phụ nhất định:
Dễ chịu ảnh hưởng của lạm phát: Lạm phát sẽ ăn mòn sức mua của tiền mặt, từ đó giảm lợi suất của tiền mặt so với các hình thức đầu tư tài sản khác. Tiền mặt dần mất đi giá trị khiến cộng đồng phải chi tiêu nhiều hơn trong tương lai.
Lấy ví dụ cộng đồng tích lũy 1,000 đồng ngày hôm nay, với tỷ lệ lạm phát 4%/năm, sau 1 năm 1,000 đồng đó chỉ còn mang giá trị tương đương 960 đồng. Đó là lý do vì sao 1,000 của nhiều năm trước có thể mua được ổ bánh mì pate, năm nay lại chỉ có thể mua được nửa chiếc bánh mì không.
Mất đi chi phí cơ hội: trong khi cộng đồng nai lưng làm lụng vất vả kiếm tiền, thì số tiền mặt dày lên mỗi ngày trở nên “lười biếng” – nghĩa là không sinh lời. Quá nhiều tiền mặt nằm yên một chỗ khiến chúng ta mất đi cơ hội tạo ra lợi nhuận nếu số tiền đó được phân bổ hợp lý và đem đi đầu tư thêm vào các loại hình tài sản khác.
Thị trường nào cũng có nhiều biến động. Nếu có nhu cầu tích lũy nhiều tiền mặt, cộng đồng cần xem xét tình hình và đưa ra chiến lược quản lý nguồn tiền phù hợp, sao cho vừa giúp tối ưu được khả năng sinh lợi vừa đảm bảo sức khỏe tài chính cá nhân ở hiện tại và tương lai.
Trong việc phân bổ chi tiêu hàng ngày, tiền mặt có thể được tích lũy và quản lý dưới dạng quỹ dự trữ cá nhân ví dụ như quỹ tiết kiệm hay quỹ khẩn cấp. Vai trò của các quỹ này cần phải đảm bảo được các mục tiêu chính bao gồm: đảm bảo chi phí phát sinh hàng tháng; đảm bảo khả năng chi trả cho những hóa đơn lớn ngoài kế hoạch hoặc trở thành khoản thu nhập thay thế khi tài chính bấp bênh.
Từ đó, cộng đồng có thể cân nhắc tích lũy từ 3-12 tháng chi phí sinh hoạt cơ bản. Định mức bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào khả năng tài chính, nhu cầu và mức sống của mỗi người, vậy nên không có một con số chính xác cho tất cả. Tuy nhiên, con số trung bình mà cộng đồng có thể cân nhắc rơi vào khoảng 6 tháng.
Trong đầu tư, ở giai đoạn “hồi sức” sau đại dịch COVID-19, khi vẫn phải đương đầu với biến động của thị trường tài chính như hiện nay, tiền mặt sẽ giúp nhà đầu tư đề phòng các rủi ro của thị trường và đảm bảo chất lượng cuộc sống như mong muốn dù kinh tế chuyển biến xấu mà không cần bán tháo danh mục tài sản khác.
Lượng tiền mặt sẽ được định mức dựa trên khẩu vị rủi ro và tình trạng và chiến lược đầu tư của mỗi người. Tỷ lệ được khuyến nghị ít nhất 5% tổng các danh mục đầu tư. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 10-20% danh mục để tận dụng được các cơ hội mua bán và đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng nhằm tối ưu hiệu suất sinh lợi lúc thị trường đang “sale” mạnh, trong khi vẫn có thể dự trữ chi phí phòng ngừa rủi ro.
Nói riêng tại thị trường Việt Nam, tiền mặt vẫn giữ vị thế lớn trong bản đồ tài sản của người Việt. Có nhiều tiền là một chuyện, nhưng cân bằng và quản lý tiền mặt để tránh mất giá và tối ưu lợi nhuận lại là câu chuyện khác.
Như GFM vẫn thường xuyên nhắc tới, tích lũy, đầu tư loại hình tài sản nào cũng vậy, luôn cần xem xét và cân nhắc kỹ tình hình tài chính cá nhân và biến động thị trường để đưa ra quyết định PHÙ HỢP nhất với mỗi người.
Hy vọng bài viết này có thể mang lại cho cộng đồng những giá trị tích cực. GFM luôn sẵn sàng đồng hành cùng cộng đồng trên hành trình giải mã bài toán tài chính cá nhân.