Nguyên nhân, ảnh hưởng và cách để hạn chế những tác động tiêu cực của “áp lực đồng trang lứa” lên tài chính cá nhân.
“Tôi đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?” “Chàng trai 28 tuổi xây nhà hơn 2,2 tỷ tặng bố mẹ” “Nghỉ việc tại Big4, cô gái xây dựng start-up triệu đô” Chắc hẳn ai cũng đã từng thấy qua những tiêu đề báo như trên ít nhất một lần trong đời. Không ít người sẽ giật mình cảm thấy bất an, hoặc có đôi chút căng thẳng vì những việc như vậy thật xa tầm với. Cảm giác đó được gọi là áp lực đồng trang lứa. Áp lực này thể hiện trong nhiều khía cạnh, tuy nhiên trong phạm vi bài này sẽ chỉ thảo luận về nguyên nhân, ảnh hưởng và cách để hạn chế những tác động tiêu cực của áp lực đồng trang lứa lên tài chính cá nhân. Áp lực đồng trang lứa không phân biệt già trẻPeer pressure – Áp lực đồng trang lứa là sự ảnh hưởng từ một nhóm cộng đồng khiến người thuộc cộng đồng cảm thấy cần hành xử theo những gì người khác đang làm. Áp lực này ảnh hưởng tới mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi càng trẻ, áp lực càng lớn. 10 tuổi: Sau Tết, bạn bè cùng lớp gặp nhau tay bắt mặt mừng, khoe nhận được rất nhiều tiền mừng tuổi, mình bỗng cảm thấy buồn và tủi thân vì không có nhiều tiền lì xì như các bạn. Lúc này, tuy áp lực chưa thể gọi mặt chỉ tên, nhưng nó đang được thể hiện bằng những cảm xúc cơ bản nhất.
16 tuổi: Đi học, các bạn được bố mẹ cho tiền tiêu vặt hàng tháng, mình vẫn phải ăn sáng ở nhà, cảm thấy bố mẹ thật bất công với mình. Lúc này, đã có những cảm xúc mạnh mẽ hơn như cáu kỉnh và muốn giải toả cảm xúc thay vì giữ trong lòng. Tâm lý tuổi dậy thì khiến áp lực bắt đầu hình thành và biểu hiện tiêu cực ra ngoài.
20 tuổi, 25 tuổi rồi 40 tuổi: những áp lực ấy càng ngày càng nhiều và có thể đến từ bất cứ đâu. Nó có thể đến từ một KOL nổi tiếng mà mình đã theo dõi từ lâu trên mạng xã hội, có thể đến từ bạn học trong lớp, bạn cùng trường đại học hoặc anh chị đồng nghiệp ở chỗ làm. Áp lực này càng ngày sẽ càng ít biểu hiện ra ngoài mà thay vào đó sẽ chuyển thành hoá thành hành vi. Thấy họ có một cuộc sống đáng mơ ước: thưởng thức bữa tối ở nhà hàng sang trọng, hay thường xuyên cùng gia đình, con cái đi du lịch càng khiến mình muốn chi “mạnh tay” hơn vào những khoản như vậy. Có thể thấy rằng, áp lực tài chính đồng trang lứa có nhiều biểu hiện khác nhau và xảy ra ở mọi độ tuổi, nhưng tựu chung lại thì chúng đều xuất phát từ nỗi sợ “khác biệt” với đám đông. Người bị ảnh hưởng bởi peer pressure sẽ cảm thấy thành công của người khác là điều hiển nhiên và phổ biến, nếu mình không đạt được điều đó đồng nghĩa với thất bại vì mình khác với những người xung quanh. Áp lực này dễ khiến cho việc chi tiêu trở nên sai mục đích, không phù hợp với mục tiêu tài chính cá nhân của mỗi người. Nhiều người chi tiền vào những món đồ xa xỉ trong khi đang có mục tiêu tích luỹ – đầu tư sớm hay dành một khoản tiền không nhỏ để mua xe xịn, trong khi nhu cầu thực tế chỉ cần có một chiếc xe với mức giá tầm trung để phục vụ mục tiêu tiết kiệm. Vậy nên việc chi tiêu gây ra bởi áp lực đồng trang lứa dù giúp giải quyết những vấn đề ngắn hạn là giải toả căng thẳng hay mang đến sự thoả mãn tức thời nhưng nó giống như “con sâu làm rầu nồi canh” cho cả kế hoạch quản lý tài chính nếu xét về dài hạn: Nó có thể ảnh hưởng tiêu cực lên các mục tiêu tích luỹ, tiết kiệm hay đầu tư. Vì sao cách chúng ta tiêu tiền lại bị ảnh hưởng bởi người khác?Nguyên nhân của áp lực đồng trang lứa có thể đến từ cả nội tâm và tác nhân từ bên ngoài: Mong muốn hòa nhậpCon người có thể sinh tồn trong môi trường vô cùng khắc nghiệt nếu sống trong bầy đàn. Vậy nên, rất nhiều người cho rằng, việc bị từ chối bởi một nhóm xã hội đồng nghĩa với điều gì đó rất tệ. Điều này giải thích một phần lý do tại sao sự công nhận từ xã hội lại có sức mạnh điều chỉnh hành vi, thái độ và niềm tin của mỗi cá nhân đến như vậy. Chuẩn mực xã hội (social norms)Chuẩn mực xã hội chỉ những quy chuẩn ngầm về suy nghĩ, cảm xúc và hành vi được đặt ra bởi các thành viên trong một nhóm xã hội nhằm định hướng các thành viên tham gia. Các thành viên có thể giao tiếp những chuẩn mực này qua lời nói và hành động bằng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Chủ nghĩa tập thể (collectivism)Văn hóa xã hội Á Đông tập trung nhấn mạnh tầm quan trọng của tập thể & cộng đồng hơn chủ nghĩa cá nhân – điều vốn rất phổ biến ở các nước phương Tây. Nghiên cứu cũng chỉ ra người được nuôi dưỡng trong nền văn hóa tập thể sẽ dễ hình thành sự “so sánh xã hội” hơn. Sự so sánh này nhằm giúp xác định vị trí của cá nhân trong các mối quan hệ, quyết định cách con người đối nhân xử thế: vị trí càng cao sẽ càng được coi trọng và ngược lại. Vậy nên, nó khiến ta thấy áp lực khi bị so sánh là kém hơn người khác. Mạng xã hộiMạng xã hội cũng góp phần không nhỏ trong việc khuếch đại áp lực đồng trang lứa. Nghiên cứu chỉ ra rằng, người có số lượt kiểm tra mạng xã hội thường xuyên hơn trong tuần, có nguy cơ bị trầm cảm cao hơn 2.7 lần. Việc nhìn thấy người khác có cuộc sống sung túc, thú vị, thành công hơn khiến cá nhân cảm thấy đố kỵ và thôi thúc họ phải bắt kịp. Có thể thấy rằng, nguyên nhân của peer pressure được hình thành từ cả yếu tố bên trong bản thân và các tác nhân bên ngoài, điều này định hình mong muốn và cách đám đông hành động. Khi những điều được đám đông ủng hộ và làm theo vô hình chung được đề cao trong xã hội thì phần đông sẽ có mong muốn bản thân trở thành chuẩn mực đó. Bởi vì con người coi sự công nhận là một phần động lực cho các hành động của mình. Peer pressure có thể là động lực hướng đến mục tiêu tài chínhNguồn: Pinterest Áp lực hay động lực phụ thuộc vào cách đón nhận vấn đề của mỗi người. Áp lực tiền bạc sẽ mang lại cảm xúc căng thẳng nếu mù quáng lấy thành công của những người khác làm thước đo cho bản thân. Ngược lại, áp lực sẽ trở lên nhẹ nhàng nếu coi đó là động lực để tập trung hơn vào mục tiêu tài chính của mình. Bởi vì biết đâu để đạt được cột mốc tự do tài chính ở hiện tại thì những người thành công họ cũng đã trải qua giai đoạn tích lũy – tiết kiệm đầy khó khăn thì sao? Vậy thì có cách nào giảm thiểu tác động tiêu cực của peer pressure hay không? Dưới đây sẽ là một số gợi ý: Hiểu nhu cầu và mục tiêu của bản thânViệc cân nhắc thật kỹ nhu cầu của bản thân trước khi đưa ra quyết định chi tiêu sẽ giúp tránh được những sai lầm dễ mắc phải như là cố chấp mua những gì người khác mua, nhưng không hề biết thu nhập thực sự và số tiền tiết kiệm của họ. Vậy nên, việc hiểu mục tiêu nào là quan trọng với tình hình sức khoẻ tài chính sẽ là kim chỉ nam giúp đưa ra quyết định đúng đắn. Chị N đang có mục tiêu tiết kiệm 50 triệu cho Quỹ khẩn cấp. Với thu nhập khoảng 10 triệu một tháng, dự tính chị sẽ tích luỹ đủ số tiền đó trong vòng 10 tháng nếu mỗi tháng chị tiết kiệm được 5 triệu. Vậy thì để đạt được mục tiêu này, bên cạnh việc đảm bảo các khoản chi tiêu cơ bản như ăn uống, sinh hoạt hay điện nước thì chị N có thể cân nhắc cắt giảm ngân sách cho các khoản chi kém thiết yếu hơn như cà phê hay các dịch vụ vui chơi giải trí đắt đỏ. Bằng việc hiểu rõ được mục tiêu hiện tại của mình, chị N cũng sẽ không cảm thấy khó xử khi nói không với những lời mời của bạn bè hay đồng nghiệp.
Lên kế hoạch chi tiêu cụ thểĐánh giá sức khỏe tài chính cá nhân thông qua việc lên kế hoạch chi tiêu cụ thể sẽ giúp việc đưa ra quyết định tài chính trở nên dễ dàng hơn, từ đó rèn luyện thói quen kỷ luật hơn trong các quyết định chi tiêu hằng ngày. Khi xác định được kế hoạch và đích đến, sẽ không khó để nhận ra mình đang đi đúng hướng hay không, từ đó xác định những tác nhân ảnh hưởng và kịp thời điều chỉnh lại theo hướng phù hợp. Anh H dự định phân bổ thu nhập của mình thành các khoản cụ thể như sau: 20% thu nhập dành cho tiết kiệm & đầu tư 30% thu nhập dành cho các khoản vui chơi, giải trí & đi du lịch 50% thu nhập dành cho các khoản chi thiết yếu: ăn uống, chi phí sinh hoạt & dịch vụ nhà ở Vậy nếu tới cuối tháng, anh H đã dành 40% thu nhập của mình cho các khoản vui chơi & giải trí đồng nghĩ với việc anh H đang chi tiêu vượt quá kế hoạch 10%. Như vậy, anh H sẽ cần phải điều chỉnh lại các quyết định chi tiêu của mình cho hạng mục này. Lựa chọn như thế nào cho “đáng tiền”?Lựa chọn xứng đáng là lựa chọn phù hợp với bản thân. Tiêu tiền cho người khác không đồng nghĩa với việc tiêu xài hoang phí, và tiêu tiền cho bản thân chưa chắc đã là một khoản chi đáng tiền. Đôi lúc, không nhất thiết phải đến những nơi sang trọng hay cao cấp thì mới có niềm vui, niềm vui có thể ở trong bữa cơm nhà giản dị. Điều quan trọng nhất là biết cách lựa chọn và cân bằng giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để luôn có một sức khoẻ tài chính thật tốt, nhằm đạt được một cuộc sống tự do & hạnh phúc. Giả sử, cô A dành ra một khoản tiền không nhỏ trong số tiền lương mình nhận được để mua một chiếc ví đắt tiền tặng chồng. Cô cảm thấy đó là khoản chi xứng đáng vì món quà bất ngờ đã khiến chồng cô A cảm thấy rất vui, và cô biết chiếc ví đó sẽ có giá trị sử dụng lâu dài. Vậy thì, để không vượt quá ngân sách của bản thân trong tháng đó, cô A có thể cân nhắc tiết kiệm lại ở những khoản mua sắm khác qua việc sử dụng các mã giảm giá hay vouchers mà mình có, sao cho những nhu cầu thiết yếu vẫn có thể được đáp ứng đầy đủ.
KếtTài chính là chuyện cá nhân những áp lực đồng trang lứa thì là vấn đề ai cũng có thể gặp phải. Áp lực tài chính đồng trang lứa có thể tới từ các yếu tố bên trong mỗi người hoặc các tác động ngoại cảnh. Điều này ảnh hưởng đến kế hoạch quản lý tài chính của mỗi cá nhân. Tuy vậy, bản thân mỗi người cần là người hiểu rõ nhất thể trạng tài chính của mình và hãy giữ một cái đầu lạnh và kiểm soát tâm lý thật tốt khi gặp phải áp lực đồng trang lứa. Luôn biết rõ mình cần gì và bị ảnh hưởng bởi điều gì để có thể vượt qua được những áp lực này và trở nên tự tin hơn không chỉ với sức khoẻ tài chính cá nhân mà còn với chính bản thân mình. Quan trọng hơn nữa là biết cách cân bằng giữa các sự lựa chọn để có thể đạt được một cuộc sống hạnh phúc. Bởi vì, trong câu chuyện tài chính cá nhân, thành công sẽ không đong đếm qua những gì người khác sở hữu mà sẽ là quá trình chạm đến mục tiêu trong kế hoạch tài chính của chính mình. |