Đầu tư không chỉ là câu chuyện rủi ro và lợi nhuận

14/04/2023
Thay vì hỏi “Đầu tư vào đây có sợ lỗ nhiều không?”, tại sao không hỏi “Đầu tư vào đây liệu có phù hợp với mình không?” Dưới đây là một góc nhìn đáng suy ngẫm của tác giả Christine Benz về vấn đề này.

Trong thời buổi kinh tế hiện nay, việc đầu tư, đem “tiền đẻ ra tiền” trở thành một xu hướng và chủ đề trò chuyện của người trẻ từ các quán cà phê cho đến trong thang máy các tòa văn phòng. 

“Hôm qua thị trường đỏ lòm thế có bị lỗ nhiều không?” 

“Ông anh tôi mua mã này lãi tận 40% 1 tuần bạn ạ!” 

“Biết thế năm ngoái chị mua chỗ đất dự án này, nó tăng luôn mấy lần mà trước cứ chần chừ, không bây giờ có phải giàu rồi không?” 

Những cuộc hội thoại tôi tình cờ nghe được từ những người lạ, nói không ngoa thì đến quá nửa là mang chủ đề đầu tư, và hầu hết tất cả những gì mọi người quan tâm nhất đều là “lãi” và “lỗ”. Đây cũng là tình trạng khi tôi đi họp lớp đại học hay gặp bạn bè – những người quen xung quanh tôi cũng bị “cuốn theo” xu hướng này, đơn giản vì xung quanh họ, ai ai cũng đều đang có một khoản đầu tư nào đó. Họ, và kể cả tôi, cũng không tránh được cảm giác FOMO (Fear of Missing Out) nếu không bắt đầu đầu tư, dù mình có thể chưa thực sự hiểu biết nhiều.

tâm lý fomo

Tâm lý FOMO theo đám đông – Hội chứng sợ bỏ lỡ (Nguồn: Spiderum)

Nhìn những danh mục đầy ắp các mã cổ phiếu và loại hình tài sản của các anh chị mình quen, tôi trầm trồ về khả năng quản lý và hiểu biết của họ, vì việc này phải tốn quá nhiều thời gian và công sức đối với tôi, nên, tôi xếp loại nó vào “rổ nhọc nhằn” (“too hard pile”) – nơi tôi trữ những việc quá sức.

Tôi tìm hiểu và chọn cho mình một lối chơi khác. Có, tôi có đầu tư chứ, nhưng ở trong thị trường càng lâu thì tôi càng bớt mặn mà với những thứ quá khó hiểu và dễ biến động. Gu của tôi là những gì đơn giản, khiến tôi yên tâm và có thể ngủ ngon khi biết rằng danh mục đầu tư của mình vẫn sẽ ổn dù tôi không thức đêm “canh” nó. Hơn nữa, thời gian với tôi còn quý hơn vàng, nên nếu một khoản đầu tư đòi hỏi tôi phải túc trực hàng ngày với nó, tôi thà không đầu tư. 

Tin tôi đi, tôi không phải người duy nhất có tư duy này và các “rổ nhọc nhằn” đâu. Vậy thì, tại sao khi nhắc đến đầu tư thì mọi người chỉ nhắc đến rủi ro và lợi nhuận nhỉ? Việc một danh mục có đáng đầu tư hay không có chăng nên dựa vào việc liệu chúng có làm ta thấy yên tâm, dễ dàng để quản lý và phù hợp với nhịp sống của bản thân chứ? 

Sự “độc tài” của những yếu tố bất định…

Tôi đoán rằng, câu trả lời nằm ở bản chất của những yếu tố như “sự đơn giản” hay “sự yên tâm” vốn dĩ khá chủ quan, khó có thể được cân đo đong đếm như các chỉ số khác. Chẳng ai nói là việc đầu tư vào mục A khiến tôi yên tâm hơn 60% khi đầu tư vào mục B cả.

Song, trong đầu tư thì có vô vàn các thang điểm và hệ quy chiếu giúp nhà đầu tư hình dung tỉ lệ cân bằng rủi ro – lợi nhuận, có thể kể đến vài cái tên như: Tỉ lệ Sharpe, Treynor, Sortino, hay hệ Morningstar. Hiệu suất của một khoản đầu tư cũng thường được đánh giá bằng việc lợi nhuận nhà đầu tư nhận được có xứng đáng với những rủi ro mà họ xác định ban đầu hay không. 

Trong khi đó, những yếu tố liên quan đến cảm xúc của nhà đầu tư vẫn khá chủ quan và khó đo lường. Và, định nghĩa về “sự yên tâm” của mỗi người cũng có nhiều phiên bản.

Với bạn, có thể việc sở hữu các khoản đầu tư dài hạn mới khiến bạn yên tâm, nhưng với người khác, sự yên tâm lại chỉ cần là có một nguồn thu cố định, chưa cần “tiền đẻ ra tiền”.

Có thể 5 tiếng một tuần để nghiên cứu thị trường và các khoản đầu tư với bạn là thoải mái, nhưng lại có những người, 5 tiếng một năm là khoảng thời gian tối đa họ sẵn sàng bỏ ra để quan tâm đến đầu tư. 

chu kỳ cảm giác đầu tư

Chu kỳ cảm xúc trong thị trường của nhà đầu tư (Nguồn: Hennetwork)

… và cách làm chủ chúng

Với tôi, bản chất của việc “đầu tư” là tạo ra một danh mục phù hợp – có thể đưa người đầu tư đến mục tiêu tài chính của mình mà không ảnh hưởng đến phần còn lại của cuộc sống. Dù sao đi nữa, đừng chỉ nên nghĩ đến rủi ro và lợi nhuận khi đầu tư, hãy suy nghĩ đến những yếu tố thực tế và “con người” hơn: Liệu mình có thoải mái khi sở hữu khoản đầu tư này không? Liệu nó có còn phù hợp với mình tại thời điểm này?

Chính quan điểm và suy nghĩ của bạn cũng sẽ thay đổi theo thời gian. Danh mục bạn tạo khi mới bắt đầu vào thị trường thỉnh thoảng sẽ cần được kiểm tra lại, xem nó còn đúng với mục tiêu và kế hoạch bây giờ của bạn hay không. Chiếc portfolio với hơn chục mã cổ phiếu từ mỗi ngành mà bạn từng rất ưng có thể sớm trở nên quá sức (chưa kể quá rủi ro) so với sức khỏe tinh thần của bạn và không thực tế để bổ trợ cho những kế hoạch tương lai dài hơi hơn như việc nghỉ hưu. 

Vậy những yếu tố “nhẹ nhàng”, “khó đo lường”  và “chủ quan” cần được cân nhắc trong đầu tư là gì? Sau đây là một danh sách ngắn những điều bạn nên để tâm khi xem xét sự phù hợp của một khoản đầu tư và kế hoạch tổng quan của mình. 

Sự yên tâm:

Đầu tư càng biến động càng bất an – Đây hẳn là suy nghĩ của nhiều người, nhưng theo tôi, điều đó không hoàn toàn đúng. Với tôi, sự yên tâm đến từ việc biết rằng mình đang theo đúng kế hoạch, và kế hoạch đang đi đúng hướng, kể cả khi đó mình đang bỏ tiền vào những tài sản dễ biến động. Nếu danh mục của mình có nhiều chu kỳ lên xuống, tôi thấy đó là “cái giá phải trả” cho cơ hội nhận được khoản lợi nhuận xứng đáng trong lâu dài. Nhưng như tôi đã nói, định nghĩa về sự yên tâm của mỗi người có thể sẽ rất khác nhau, và nhiều nhà đầu tư lại bị những con số phần trăm lên xuống trong danh mục làm mất ngủ. 

Mấu chốt ở đây là tìm ra được cho mình một định nghĩa riêng thế nào là “yên tâm”, và luôn đảm bảo rằng danh mục ở trạng thái cân bằng rủi ro – lợi nhuận phù hợp. 

Sự vừa đủ: 

“Bậc thầy” đầu tư William Bernstein từng khuyên rằng: “Nếu bạn đã thắng một cuộc chơi, hãy ngừng chơi nó”. Nhà đầu tư John Bogle còn viết cả một cuốn sách về chủ đề này. 

Dù thế nào, tôi không nghĩ rằng chúng ta bàn luận đủ nhiều về việc làm sao để định nghĩa được thế nào là “chiến thắng” và “đủ” cho mỗi người khi ta nghĩ về đầu tư và các kế hoạch dài hạn. 

Tôi từng tư vấn cho một người đã nghỉ hưu, có mức sống khiêm tốn và ông bằng lòng với một danh mục khá an toàn. Lời khuyên đầu tiên tôi đưa ra là bổ sung các danh mục rủi ro hơn nhưng mang lại tiềm năng lợi nhuận cao hơn. Như vậy sẽ phù hợp nếu ông ấy muốn chi tiêu thoải mái hơn, hoặc để dành một khoản tích lũy cho con gái chẳng hạn. Nhưng, câu trả lời là không. Ông ấy hài lòng với mức sống hiện tại và ông biết rằng con gái ông cũng sẽ ổn kể cả khi không có khoản kế thừa nào từ bố.

Tôi ước chúng ta đều có thể sống với tư duy “vừa đủ”, ý thức được ưu tiên tối thiểu và biết đâu là điểm dừng. Khi đó, ta dễ dàng xác định được các mức độ đầu tư, tiết kiệm và chi tiêu để có một cuộc sống tốt, cả mức độ rủi ro để có một chất lượng sống cao.

Sự “vừa đủ” cũng chủ quan như sự “yên tâm”, nhưng nó liên hệ trực tiếp đến lối sống và lựa chọn của từng người, nên theo tôi cần được cân nhắc kỹ càng.

Sự đơn giản: 

Đây là một yếu tố đã ảnh hưởng to lớn đến “rổ nhọc nhằn” đang đầy dần lên của tôi khi tôi cân nhắc lại những khoản đầu tư của mình: 

“Tôi có hiểu về chúng không?”

“Tôi có thể dễ dàng giải thích cho người khác về chúng không?”

“Việc quản lý chung và riêng từng hạng mục đòi hỏi bao nhiêu thời gian?” 

“Nếu tôi, vì bất kỳ lý do gì mà bỏ quên chúng một thời gian, liệu điều đó có ảnh hưởng nhiều đến chúng, và tôi không?”

Để trả lời được những câu hỏi này, tôi phải đảm bảo rằng các khoản mà tôi đầu tư đều đơn giản, dễ hiểu, và thực tế (ít nhất là với chính mình). Càng có tuổi, tôi càng nhận ra rằng nguồn tài nguyên hữu hạn thực sự trên thế giới này duy chỉ có thời gian, và tôi không muốn dành quá nhiều thời gian của mình để phải luôn lo lắng quản lý một danh mục hay những khoản đầu tư trong đó. 

Nếu bạn cũng có cùng suy nghĩ đó, bạn có thể cân nhắc áp dụng một danh mục tối giản với các quỹ chỉ số (index fund), mua những chứng chỉ quỹ đơn giản, hoặc giao phó việc quản lý danh mục của bạn cho một nhà tư vấn tài chính. Tối thiểu, thì hãy cân nhắc một kế hoạch thành công cho danh mục đầu tư của bạn trong trường hợp bạn không thể tự quản lý nó với sức lực và quỹ thời gian của bản thân. 

* Lược dịch từ bài viết của tác giả Christine Benz trên trang Morningstar 

Genesis
Scroll To Top
zalo wechat