CHỦ ĐỀ: ĐẦU TƯ

03/10/2023

1. Đầu tư vs. Đầu cơ
2. Chứng chỉ quỹ 
3. NAV của Quỹ mở
4. Giá đơn vị Quỹ
5. Cách mua bán CCQ
6. Lãi kép
7. Những loại phí của Quỹ mở
8. Quỹ đầu tư vs. Quỹ đầu tư mạo hiểm

1. Đầu tư vs. Đầu cơ

Đầu tư: Sử dụng một phần vốn riêng (không vay mượn) của bản thân để tạo ra lợi nhuận từ sự tăng trưởng giá trị theo thời gian dài (thường trên 01 năm). Đầu tư lấy phân tích làm nền tảng, rủi ro thấp hơn, biến động đều hơn. 

Đầu cơ: Sử dụng phần lớn số vốn đang có hoặc đi vay thêm để kiếm lời từ sự thay đổi giá do cung và cầu trong ngắn hạn. Đầu cơ lấy tin đồn, biểu đồ giá và tâm lý thị trường làm nền tảng, rủi ro cao hơn, chênh lệch bất thường hơn. 

2. Chứng chỉ quỹ

Hình thức này vẫn hay bị nhầm lẫn với cổ phiếu. Cả 2 đều là sản phẩm chứng khoán, đều xác nhận quyền sở hữu cổ phần doanh nghiệp của nhà đầu tư. Tuy nhiên, điểm khác biệt nằm ở chỗ, quỹ tập hợp vốn của nhiều nhà đầu tư, và công ty quản lý quỹ sẽ đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà đầu tư không can thiệp vào quyết định của công ty quỹ hay doanh nghiệp mình sở hữu cổ phần.

Theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, thì đến nay đã có hơn 10.000 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức tham gia vào các quỹ đầu tư. Quỹ được đảm bảo nhiều trong tương lai và có sự góp mặt của nhiều tổ chức tài chính ngân hàng lớn, chứng tỏ sức hấp dẫn luôn cao.

Các quỹ đầu tư của những công ty, ngân hàng uy tín vẫn luôn được rất nhiều các nhà đầu tư lựa chọn như một kênh sinh lời hiệu quả.

3. NAV Quỹ Mở

Công thức tính NAV:

NAV = Giá trị tài sản của Quỹ – Tổng nợ 

Nếu cộng đồng muốn có cái nhìn tổng quan về hiệu quả hay giá trị của một Quỹ đầu tư, hãy nhìn vào NAV của Quỹ đó.

NAV không biết nói dối, và xu hướng tăng giảm của NAV sẽ là chỉ báo rõ nhất cho cộng đồng về hiệu suất đầu tư của một Quỹ, từ đó giúp cộng đồng đưa ra quyết định dễ dàng hơn, có cơ sở hơn trong việc “chọn mặt gửi vàng”. NAV càng cao, chứng chỉ quỹ bạn sở hữu sẽ càng có giá trị và ngược lại.

4. Giá đơn vị Quỹ

Được tính bằng công thức:

NAV/Chứng Chỉ Quỹ (CCQ)

Đây là biến số sẽ thay đổi dựa trên hiệu suất của một Quỹ. Giá đơn vị Quỹ (ĐVQ) thấp có nghĩa là Quỹ đó giống như 1 “em bé” trong thị trường – mới bắt đầu, tập làm quen và tìm hiểu thế giới. Ngược lại, giá ĐVQ cao thể hiện rằng Quỹ đã có 1 mức độ trưởng thành nhất định, vững hơn, có lãi và đã có thể tự chinh chiến với thị trường.

Giá ĐVQ  ban đầu tại các Quỹ thường được định giá như nhau: 10.000 đồng/CCQ. Tuy nhiên, sau thời gian hoạt động mỗi quỹ sẽ có biến động giá NAV/CCQ khác nhau.

5. Cách mua bán Chứng chỉ Quỹ

Có 2 phương án mua và bán: Gián tiếp (qua bên môi giới thứ ba) hoặc Trực tiếp (với công ty Quản lý Quỹ phát hành) 

Người mới làm quen với đầu tư Quỹ thường chọn phương án Gián tiếp, còn những người đã có kiến thức nền tảng về tài chính và đầu tư Quỹ sẽ thường chọn giao dịch Trực tiếp. Phương thức giao dịch NĐT cần trao đổi cụ thể với Công ty Quản lý Quỹ hoặc đơn vị môi giới thứ ba để có thêm thông tin chi tiết. 

Lưu ý khi mua bán CCQ: Mỗi quỹ đầu tư đều có quy định riêng về các loại phí mà nhà đầu tư phải trả cho công ty quản lý quỹ cũng như chi phí mà Quỹ phải thanh toán cho công ty quản lý quỹ và các nhà cung cấp dịch vụ cho Quỹ.

Đọc thêm: Câu hỏi số 20. Các chi phí tôi phải trả khi đầu tư vào quỹ là gì?

5. Lãi kép

Lãi kép đầu tư xuất hiện khi phần lãi mới được cộng dồn vào vốn ban đầu, trở thành số vốn mới, và lãi phát sinh sẽ được tính từ thời điểm đó trở đi. Chu kỳ này cứ lặp đi lặp lại trong suốt kỳ hạn đầu tư. Thời gian nhập vốn càng dài, tiền lãi càng lớn.

“Kỳ quan thứ 8 của thế giới” là cái tên mà thiên tài Albert Einstein đặt cho “lãi kép” do sức mạnh của nó. Nó có thể khiến vốn và tài sản của bạn tăng trưởng nhanh hơn, nhưng ngược lại, cũng có thể khiến số nợ của bạn ngày một bành trướng. Vẻ đẹp của “kỳ quan” này nằm ở hiệu ứng của nó với việc đầu tư, nên khoan bàn đến lãi kép của dư nợ.

Đọc thêm: Người trẻ đầu tư – Tận dụng lãi kép và đầu tư.

6. Những loại phí của Quỹ Mở

Có 2 loại phí chính:

+ Phí trả cho Công ty Quản lý Quỹ

+ Phí trả cho bên thứ ba

Trong đó bao gồm phí phát hành, phí quản lý quỹ, thưởng hoạt động, và phí bán,…

Tất cả các loại phí của Quỹ đều được thông báo rõ ràng, minh bạch qua các văn bản chính thức và Bản Cáo Bạch của từng quỹ, cộng đồng nhớ lưu ý tìm hiểu kỹ nhé! (Vì chắc chắn, không ai muốn mình phải chịu những loại phí ẩn mà không được thông báo trước cả).

7. Quỹ đầu tư vs Quỹ mạo hiểm

“Quỹ đầu tư” là một thuật ngữ bao trùm cho các sản phẩm dịch vụ của một công ty Quản lý Quỹ, cụ thể hơn, đây là một hình thức đầu tư “gộp” (hay góp vốn) giữa các nhà đầu tư trong thị trường tài chính. Các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm từ phía công ty sẽ chịu trách nhiệm tối ưu những danh mục trong các sản phẩm quỹ đó với mục đích giúp người tham gia tiết kiệm công sức và thời gian nghiên cứu thị trường, mà vẫn có thu nhập thụ động.

“Quỹ mạo hiểm” là một trong những loại hình Quỹ đầu tư, có đặc trưng đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở giai đoạn sớm, phổ biến nhất là các start-up. Những doanh nghiệp này được đánh giá là có tiềm năng rất lớn dù có thể chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán, và mục tiêu của các Quỹ mạo hiểm là kỳ vọng họ sẽ phát triển thành các “kỳ lân” và đem lại lợi nhuận tính bằng cấp số nhân. Tuy nhiên, rủi ro của Quỹ này vì thế cũng rất cao vì xác suất thành công của các start-up thông thường rất thấp, và công ty không thành công đồng nghĩa khoản đầu tư cũng sẽ “tan tành mây khói”.

Đọc thêm bài “Giải ngố” tài chính: Cứ là Quỹ thì là mạo hiểm?

Genesis
Scroll To Top
zalo wechat